Chân ga ma quỷ và tốc độ là nguyên nhân chính trong nhiều vụ tai nạn

Cập nhật lúc: 17:00 31/07/2018

Chân ga ma quỷ và tốc độ là nguyên nhân chính trong nhiều vụ tai nạn

Chân ga ma quỷ và tốc độ là nguyên nhân chính trong nhiều vụ tai nạn

Tai nạn giao thông là hiểm họa, là Quốc nạn, ai mà không biết. Ngày ngày, người ta vẫn nhắc con cái ra đường đi, đứng cẩn thận chứ tai nạn nhiều lắm! Nhưng tai nạn vẫn xảy ra và người chết và bị thương không chỉ có con trẻ mà có cả ông, bà, cha, mẹ… Và vụ tai nạn hôm mùng 7/6/2013 xe khách lao vào vách núi khiến 6 thầy cô giáo và một cháu nhỏ chết thảm, hơn 20 người khác bị thương. Nghĩa là tai nạn không chừa một ai, vậy đâu là nguyên nhân.

Nguồn cơn

Đến các trung tâm đào tạo lái xe sẽ biết, hàng trăm chứ có đến hàng triệu triệu lượt người hàng năm, từ chập chững học lái xe ô tô cho đến thi lái xe nâng hạng nếu được hỏi: Chạy nhanh, chạy chậm, kiểu nào chạy  khó hơn ? thì sẽ có đúng bấy nhiêu câu trả lời

Chạy nhanh dễ, chạy chậm là khó nhất!

Bài thi số 9 tăng, giảm số trên đường bằng (Một trong 10 bài tổng hợp thi sát hạch lái xe) yêu cầu học viên trong khoảng 50 mét phải tăng lên được một số (Từ số 1 lên số 2 với hạng B, và từ số 2 lên số 3 với các xe hạng C, D, E) rồi nhanh chóng dồn số về để đi tiếp. Đây cũng chính làbài học cơ bản để một người lái xe có thể dồn, trả số khi xe gặp sự cố, hư hỏng hay nặng là mất phanh. Thường là số đông học viên không thể làm được điều này. Tăng giảm số đường bằng không làm được thì nói gì đến leo đèo, xuống dốc?

Lợi dụng kẽ hở của máy chấm điểm tự động, người ta có một mẹo nhỏ để bỏ qua bài thi này đó là chỉ đi một số, không tăng, không giảm và chấp nhận trừ 5 điểm còn hơn thao tác sai có thể bị trừ điểm hàng loạt, dẫn đến trượt sát hạch. Hệ quả là hàng loạt học viên ra trường không biết dồn số khi gặp sự cố.

Có câu: “Đi số thì phải lấy đà, về số thì phải vù ga nửa chừng”, Hiểu và thao tác đúng thế nào là vù ga nửa chừng đòi hỏi người lái xe phải biết đi côn đôi, nghĩa là: “Cắt côn vào số, cắt côn ra số”. Để dồn số trong tình huống khẩn cấp phải thao tác nhanh, gọn, chính xác: Cắt côn ra số, thả chân côn ra vù ga thật lớn, cắt côn về số thấp và thả nhanh chân côn để số sẽ ghì chiếc xe lại (Gọi là phanh số).

Một bài học mà rất hiều lái xe không còn đủ tỉnh táo để nhớ sử dụng khi mất phanh đó là: Dồn số, kết hợp sử dụng phanh tay để giảm bớt tốc độ. Đây là một biện pháp cực kỳ hiệu quả.

Kiểm soát được chân côn, chân ga với người học lái không hề đơn giản. Ngay từ những ngày đầu, việc rèn dũa cho một học viên biết chạy xe thật chậm, biết làm chủ chân côn, chân ga, chân phanh, là tập cho thuần tính nết kiên trì. Dạy hai chữ cẩn thận phải ngấm vào máu vào thịt học viên, từ việc biết chạy thật chậm mới nói đến khả năng bao quát, quan sát, xử lý tình huống. Những động tác cơ bản phải làm được thật tốt mới nói đến chạy nhanh dần và chạy an toàn. Phải xác định được lái xe không chỉ lái bằng chân tay, mà lái bằng bằng cái đầu, bằng cả trái tim, khối óc.

Nhiều lái xe không được đào tạo đến nơi đến chốn, mỗi lần va quẹt cứ bảo là “xui xẻo”, họ không dám thừa nhận sự yếu kém, không để tâm rút kinh nghiệm để rồi đến thâm niên, nhiều năm lăn lộn trên đường trường nhưng sơ sẩy vẫn chết ngon lành vì căn bệnh chủ quan.

Ta đây có thể xử lý tốt tất cả các tình huống nên có quyền “mát ga, mát số”. Hai chữ lái xe “cẩn thận” người ta dán ở trên đầu tài xế mà mấy ai để tâm, để rồi không phải va quẹt nhẹ, trầy da tróc vảy mà là xe đối đầu xe ở Long An và Bình Thuận vừa qua là một ví dụ điển hình khiến nhiều người trong đó có cả lái xe, chết không toàn thây ! Rồi xe lao xuống vực, xe lao vào vách núi…

Và nguyên nhân tai nạn

Trở lại vụ chiếc xe khách 30 chỗ ngồi, biển kiểm soát 43S- 6420 chạy theo hướng Đà Lạt - Nha Trang đã mất thắng và lao vào vách núi là một chiếc xe đời mới. Các xe mới có hệ thống giảm sóc bằng bầu hơi, phanh APS, phanh từ rất êm dịu và cực kỳ hiệu quả.

Xuất phát từ tính an toàn rất cao của hệ thống phanh hãm nên gần như tất cả các tài xế đều rất tự tin khi đổ đèo, xuống dốc. Người ta gần như không biết hoặc cố tình quên đi bài học phải dồn số khi xuống dốc, để giảm áp lực cho hệ thống phanh, tránh việc phanh nhiều, gây chai, cháy bố thắng và dẫn đến hệ thống phanh hãm làm việc quá tải, không hiệu quả, mất phanh!

Xuất phát từ khả năng giữ cân bằng rất tốt của các xe đời mới đó là có hệ thống bầu hơi trợ lực, giảm sóc tối đa…Xe nghiêng các van xả đồng loạt làm nhiệm vụ xả bên cao, tập trung cho các bầu hơi đẩy bên nghiêng lên và xe luôn trong trạng thái thăng bằng (trừ những trường hợp vỡ, nổ bầu hơi)

Chân ga ma quỷ

“Yêu mẹ cha anh vững vàng tay lái

Nhớ vợ hiền anh nhè nhẹ chân ga”

Hoặc “xin đừng hôn em”

Là những câu thơ vui mà nhiều nhà xe viết lên trước hoặc sau đuôi chiếc xe của mình, nơi mà các xe khác dễ quan sát, dễ nhìn thấy nhất để nhắc nhở, cảnh báo tài xế xe khác nhìn thấy thì giảm tốc độ đừng lao đầu vào.

Một yếu tố rõ ràng đó, mà cũng ma quỷ đó ít ai để ý. Đó là tay ga, chân ga. Nó là “con ma tốc độ”. Nó cám dỗ, nó sai khiến kiểu: “Lẹ lẹ về sớm được chút xíu còn có thời gian nghỉ ngơi”, “Về sớm quay đầu thêm chút nữa cho mau có tiền”…mà người cầm lái không hề hay biết ! Chỉ có những người tỉnh táo lắm, bản lĩnh lắm, kiên gan, bền chí lắm mới đủ sức vượt qua khỏi cám dỗcủa con ma tốc độ là vậy.

Một ví dụ đơn giản: Người mù với cây gậy dò dẫm đi khắp phố không đụng ai và cũng ít ai đụng phải bởi họ di chuyển rất chậm, nên người và các phương tiện khác dễ dàng phát hiện và né tránh kịp thời.

Một chiếc xe to lớn nếu đi với tốc độ vừa phải thì người và các phương tiện tham gia giao thông người ta cũng tự né chứ chả ai chán sống mà lao vào.

Ý thức vẫn là cốt lõi.

Ý thức tự bảo vệ mình có sẵn trong mỗi người. Một người lái xe ngay những bài đạo đức đầu tiên đã được dạy: “Mở cửa xe là mở cánh cửa tù”, lên xe cầm lái thì luôn đề cao cảnh giác, phải xem những người dưới đường “Tất cả là những người điên” để mà đề phòng. Lái xe cẩn thận, biết quan sát, biết nhường nhịn thì người khác muốn tông vào mình cũng khó chứ nói gì đến chuyện tông người ta.

Chạy chậm có thể thấy và né được cây đinh nhỏ xíu dưới đường, có thể nhặt được tiền của người ta làm rơi, có thể tránh được cả bẫy mà người ta giăng sẵn, có thể tránh được người điên bất ngờ lao vào xe… Nghĩa là người lái xe phải luôn cẩn thận đề phòng tất cả mọi tình huống có thể xảy ra.

Tốc độ cao chính là nguyên nhân trong mọi nguyên nhân dẫn đến tai nạn từ nhẹ cho đến thảm khốc.

Xin mọi người hãy thử ngẫm xem có đúng không và tự quyết định nên chạy nhanh hay chạy chậm để giữ cái mạng sống của mình trước khi nói đến chuyện đạo đức, nói đến giúp đỡ hay cứu người khác.