Đèn pha - "sát thủ" thầm lặng trong các vụ tai nạn giao thông ban đêm

Cập nhật lúc: 11:24 26/08/2018

http://baodaklak.vn/channel/3485/201808/den-pha-sat-thu-tham-lang-trong-cac-vu-tai-nan-giao-thong-ban-dem-5597154/

Đèn pha - "sát thủ" thầm lặng trong các vụ tai nạn giao thông ban đêm

http://baodaklak.vn/…/den-pha-sat-thu-tham-lang-trong-cac-…/
.
Để sử dụng đúng đèn chiếu sáng vào ban đêm nhằm bảo đảm an toàn cho chính mình, không gây khó chịu hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện ngược chiều đòi hỏi người điều khiển phương tiện ngoài kỹ năng cần phải có ý thức khi tham gia giao thông.

Luật Giao thông đường bộ quy định: Ban đêm xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau phải chuyển từ đèn chiếu xa sang đèn chiếu gần, gặp mưa to hay sương mù phải bật đèn chiếu gần và đèn vàng, không được sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị và khu đông dân cư… Thường là khi cách xe ngược chiều khoảng 100 - 150 mét, hai lái xe sẽ chuyển từ đèn pha (xa) sang đèn cốt (gần) và chỉ bật pha trở lại khi khoảng cách giữa hai xe còn 10 - 15 mét, giúp tăng khả năng quan sát, đi về đúng phần đường, bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, trên thực tế có thể do tay lái còn non, khả năng làm chủ phương tiện còn yếu nên nhiều người điều khiển phương tiện không nhớ, không dám thực hiện thao tác đổi đèn pha sang cốt ở những tình huống như luật quy định.

Mặt khác, cũng có những lái xe ý thức kém, ỷ xe mình to, cao, đèn pha sáng hơn, thậm chí độ chế lắp thêm đèn siêu sáng, đèn vàng trên đầu xe rồi cùng lúc bật lên khiến xe ngược chiều “tối tăm mắt mũi”, phải dừng khẩn cấp nếu không sẽ tai nạn. Thực tế, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra mà nguyên nhân chính do lỗi sử dụng đèn pha đầy ác ý mà chỉ người trong cuộc mới biết.

Sử dụng đèn cốt trong khu đông dân cư.
Sử dụng đèn cốt trong khu đông dân cư.
Ban đêm không chỉ bắt buộc sử dụng đèn cốt khi tránh xe ngược chiều, chạy trong khu đông dân cư, mưa hay sương mù… như Luật Giao thông đường bộ quy định, mà phải dùng đèn cốt cả khi xe mình đi sau xe khác, bởi sử dụng đèn pha, lái xe phía trước sẽ bị ánh đèn xe sau rọi vào gương chiếu hậu gây phản sáng vào mắt lái xe, dẫn đến lóa mắt, không thấy đường, mất tập trung, mất kiểm soát... Ngoài những điều trên thì những lái xe giỏi, lái xe có tâm còn tùy những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể trên đường mà ứng xử. Trong trường hợp đã ra tín hiệu xin đổi đèn nhưng xe đi ngược chiều không đáp lại có thể do đèn cốt đã bị hỏng thì thay vì nổi nóng theo kiểu “mày pha, tao pha cho mày xem” dẫn đến nguy hiểm cho cả hai thì lái xe nên giảm tốc độ, đi sát vào lề phải và chủ động tắt đèn của mình để xe ngược chiều đi qua an toàn sau đó bật đèn trở lại.

Trong phần lớn các vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra vào ban đêm, người ta chỉ xem xét đến tình trạng kỹ thuật của phương tiện như mất phanh, mất lái, tài xế buồn ngủ, lấn đường… mà quên mất một “kẻ thủ ác thầm lặng” thường trốn sâu, ẩn kỹ trong tay, trong mắt, trong đầu, trong lương tâm của mỗi lái xe, dù cơ quan chức năng có “soi” đến mấy thì việc tìm ra chứng cứ thủ phạm là chiếc xe đã sử dụng đèn pha gây lóa mắt khiến xe ngược chiều không thấy đường tự gây tai nạn hoặc đâm vào xe khác cũng như “mò kim đáy bể”.

Trong điều kiện các cơ quan quản lý chưa thể xử lý tận gốc nhằm ngăn chặn những hành động sử dụng đèn vô tội vạ, vô văn hóa, dẫn đến mất an toàn giao thông thì mỗi lái xe hãy tự bảo vệ mình bằng cách đi chậm và chủ động tránh hoặc dừng hẳn nhường đường để bảo đảm an toàn. Những người mới tập lái hay biết mình còn yếu cần rèn luyện thật tốt thao tác bật và chuyển đèn pha, cốt, đừng để sự yếu kém của mình gây họa cho chính mình và người khác, đừng để mình cũng trở thành “sát thủ” vì không biết sử dụng đèn vào ban đêm.

Trương Nhất Vương