Hãy để đau thương phải dừng lại

Cập nhật lúc: 14:25 13/08/2018

Hãy để đau thương phải dừng lại

(Xã hội) - Anh gọi đến ngay sau khi gửi cho PV bài viết này. Giọng anh vẫn còn xúc động về vụ tai nạn giao thông ở Quảng Nam. “Tôi muốn chia sẻ đôi điều với đồng nghiệp của mình về những cơn buồn ngủ của người cầm lái” – anh Trần Kiêm Hạ nói.

 
 

 

Xin được giới thiệu bài viết của anh – lời khuyên chân tình của một bác tài một đời cầm lái, cũng từng bị “cơn buồn ngủ trắng” nhập vào người, từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông…

Tài xế Trần Kiêm Hạ

Tài xế Trần Kiêm Hạ

Khi “tài xế ngủ gục trên tay lái”

Dù không tận mắt chứng kiến thời khắc xe 16 chỗ 75B 000-52 gặp tai nạn tại Quảng Nam (rạng sáng 30-7-2018), nhưng nhìn hình ảnh hiện trường tôi đã hiểu vì đâu gây nên cái chết cho 13 nạn nhân vụ này. Thật lòng, trong đời cầm lái mưu sinh, tôi cũng từng buồn ngủ đang lúc lái xe. Cơn buồn ngủ đến với người cầm lái từ nhiều nguyên nhân. Những vụ tai nạn tài xế thiếu ngủ, mệt mỏi như vụ tai nạn trên chiếm đa số.

Tuy nhiên, dạng buồn ngủ này không phải ngăn ngừa được bởi nó không ập đến bất ngờ, mà đến từ từ qua nhiều cấp độ khác nhau. Trước tiên, cơ thể báo hiệu bằng những cái ngáp dài. Tài xế thường cố giấu cơn buồn ngủ với hành khách bằng cách lấy tay che miệng, dùng cà phê, nước mát… cho tỉnh ngủ. Nếu không được nghỉ ngơi thì  cấp độ hai sẽ đến: mắt bắt đầu nằng nặng, muốn díp lại.

Có một bận rơi vào tình trạng này, tôi tự động viên mình bằng ý nghĩ: hãy gắng lên nào, chút nữa thôi là đến trạm, tha hồ mà nghỉ ngơi, thư giãn. “Tỉnh” được một chút rồi cơn buồn ngủ lại tới, cường độ mạnh hơn. Tôi tự cảnh báo mình bằng những ý nghĩ sợ hãi: coi chừng gây ra tai nạn chết người đó! Rồi bứt tóc nhéo đùi thật đau cho… tỉnh người. May thay, lúc nguy cấp ấy người khách ngồi bên cạnh đang ngủ tỉnh dậy, anh hét to khi thấy xe sắp đâm vào những người đang đi đường. Tiếng hét giúp tôi tỉnh ngủ, mở bừng mắt. Nhờ có chút kinh nghiệm, tôi phản xạ lách vài đường lái. Thế là tai qua nạn khỏi!

Đó là bài học nhớ đời, tôi tự dặn lòng và khuyên đồng nghiệp rằng: đừng bao giờ cố gắng chạy tiếp khi cơ thể đã quá buồn ngủ. Dù mắt vẫn mở trừng trừng nhưng não không còn nhận ra mọi diễn biến trước mắt mình nữa đâu. Có lẽ những tài xế đã gây tai nạn trải qua giây phút như tôi mà không có người đánh thức đó thôi.

Rèn kỹ năng phát hiện nguy hiểm

Giải pháp nào giúp người lái xe tránh được tai nạn lúc đang lái xe mà hai mắt ríu lại? Khi “tài xế ngủ gục trên tay lái” – đó là lúc “hung thần” nhập vào tài xế rồi và xe có thể gây tai nạn tức khắc. Nhiều vụ tai nạn thảm khốc do tài xế ngủ gật gây ra là tấm gương thấu trời… Đừng bao giờ chủ quan với cơn buồn ngủ.

Đứng trước vành móng ngựa hoặc trước cơ quan chức năng, nhiều tài xế đưa ra nhiều nguyên nhân khách quan: đường sá, thời tiết, phương tiện, sức ép công việc từ chủ… Thiết nghĩ: đường sá, phương tiện tốt đến đâu vẫn xảy ra tai nạn nếu con người chủ quan hoặc thiếu ý thức. Tài xế là một nghề kiếm sống. Đã là nghề kiếm sống, mưu cầu hạnh phúc cho chính mình thì phải có kỹ năng nghề nghiệp. Nhất là một nghề đặc biệt nguy hiểm như lái xe thì người cầm lái cần phải có kỹ năng nghề nghiệp rất cao mới có thể đem lại an toàn sinh mạng mình và cho người khác.

Theo tôi, kỹ năng phát hiện nguồn nguy hiểm có thể xảy ra trước đầu xe mình là điều kiện tối cần cho người cầm lái. Thứ nhất: trước một chuyến đi, tài xế phải hiểu sức khỏe chính mình. Sức khỏe không tốt thì không nên điều khiển bất cứ phương tiện gì. Thứ hai: phải biết tình trạng xe mình an toàn không, đảm bảo tất cả hệ thống trên xe phải hoạt động tốt. Thứ ba là kỹ năng phán đoán nguồn nguy hiểm có thể xảy ra cho chính xe mình. Thí dụ xe đi trong tình hình mưa gió thì phải phán đoán hướng gió, hướng nước chảy, lưu lượng nước đổ có gây ngập, rê, lật xe mình… Xe chở đầy tải đổ dốc thì nhất định đi tốc độ thấp, trời mưa tuyệt đối không phanh gấp; biết phán đoán tình hình giao thông trước xe mình mà đi hay dừng cho phù hợp…

Và trong kỹ năng phát hiện nguy hiểm của tài xế có một điều tối cần là đừng để phải “ngủ gật trên tay lái” (còn gọi là giấc ngủ trắng nhập vào mình). Khi có hiện tượng ríu mắt, tốt nhất là đổi tài. Nếu không có người thay thì chợp mắt vài chục phút hoặc xuống xe vươn vai cho máu được lưu thông; rửa mặt bằng nước mát, uống cà phê, trà pha đường…tỉnh táo mới chạy tiếp.

Khi buồn ngủ, dứt khoát không chạy gắng. Chẳng may mình gặp nạn, để lại nỗi khổ cho gia đình; sống với thương tật suốt đời, sống dựa người thân thì không gì khổ tâm hơn! Hoặc bản thân không mang thương tật mà tâm tư luôn dằn vặt vì mình đã gây quá nhiều đau thương cho người khác thì chẳng sướng ích chi.

(Theo Tuổi Trẻ)

 

Trần Kiêm Hạ