Hiểm họa mất phanh và lời khuyên của người trong cuộc

Cập nhật lúc: 07:57 20/08/2018

Hiểm họa mất phanh và lời khuyên của người trong cuộc

 

Hiểm họa mất phanh và lời khuyên của người trong cuộc

Mất phanh có thể hiểu là khi người lái xe đạp bàn đạp phanh thì hệ thống phanh hãm không còn hiệu lực để có thể giảm tốc độ, dừng chuyển động của ô tô cũng như mất hoàn toàn khả năng giữ ô tô đứng yên trên dốc như công dụng mà nhà sản xuất tạo ra nó.

Mất phanh do nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản có hai dạng chính: Do hỏng hóc kỹ thuật đột ngột và do chủ quan của lái xe là phổ biến nhất. Nhiều trường hợp phanh vẫn hoạt động bình thường nhưng do lái xe chủ quan, do lạ đường, đổ đèo xuống dốc không dồn số, đến lúc phát hiện dốc quá sâu, quá dài, quanh co, xe chạy quá nhanh do trọng lực và lực quán tính dồn đẩy quá lớn khiến phanh mất hiệu lực.

Những lần mất phanh nhớ đời qua lời kể của các lái xe

Ông Nguyễn Văn Lai (Giáo viên Trường TCN VINASME Tây Nguyên) kể câu chuyện mất phanh khi còn là lái xe chuyên nghiệp .

Dốc Ja Me, huyện Ea H Leo, tỉnh Đắk Lắk quanh, do chủ quan đường vắng, xe chở ít hàng nên đã lái xe không dồn số trên đầu dốc. Khi xe có đà lao nhanh, đạp chân phanh chạm sàn mà xe vẫn lao như điên, động cơ xe gầm rú như muốn nổ tung. Dồn số thì không thể vào được số nào vì tốc độ của máy đã quá chậm so với tốc độ vòng quay bánh xe. Chụp phanh tay kéo mạnh thì dây phanh tay đứt. Ông Lai chỉ còn biết ôm chặt vô lăng và nhắm thằng vào cây me bên phải đường húc vào. Nghe ông anh bên phụ hét né đi chứ không chết hết, ông mới nhích nhẹ tay lái cho xe ăn phần hông bên phụ vào cây me, sau đó xe cứ lồng lên lao xuống cái lũng trước mặt đầy đá tảng.

Ông Nguyễn Hải Ngân, lái xe tải tuyến Bắc - Nam  cũng kể: Tại dốc ông Bồ (đoạn giữa tỉnh Đắk Nông và Bình Phước), đoạn cuối thắt nhỏ và cua tay áo. Đoạn đầu dốc lài lài, lái xe vẫn vô tư tăng số, tăng ga. Vào cua đầu tiên phanh vẫn còn hiệu lực, lái xe chỉ dồn về được số 4. Rà phanh liên tục nhưng do xe chở hàng nặng, quán tính dồn đẩy lớn. Bất ngờ mất phanh hoàn toàn. Phía dốc bên kia xuất hiện đèn pha xe đi ngược chiều. Ông Ngân cố nhồi và đứng cả người lên đạp phanh nhưng xe vẫn lao đi. Lái xe một mặt ghì chặt tay lái, bật công tắc đèn báo nguy hiểm, đảo đèn cos, pha chớp nháy liên tục, còi hơi gào thét xé toạc màn đêm chỉ mong xe ngược chiều phát hiện và né dùm. Tại điểm nút thắt cổ chai, một chiếc xe lai bầu đậu sát lề đường bên phải. Chiếc xe ngược chiều không biết có mất phanh không nhưng không có dấu hiệu nhường nhịn. Lái buộc phải nhích tay lái lấn phần đường ngược chiều và lách vào khe hẹp giữa xe ngược chiều và chiếc xe đang đỗ. Thoát nạn ! Chiếc xe lao lên gần nửa cái dốc tiếp theo, lái xe mới dồn số, kéo phanh tay và lấy đá căn hai lốp lại để sửa chữa…

Câu chuyện thứ ba do chính người viết bài trải nghiệm: Trên đường mòn Hồ Chí Minh, đoạnthị trấn Đắk GLây (Kon Tum) đến Khâm Đức, huyện Phước Sơn tỉnh Quảng Nam. Từ lái xe tải chuyển sang chạy xe khách nhiều năm, và lúc này chạy chiếc xe ISUZU loại 7 chỗ ngồi mới toanh có giá trị gần một tỷ đồng chở 3 người từ Buôn Ma Thuột đi Đà Nẵng. Chiếc xe cứ phăng phăng lên đèo đổ dốc. Tuy vậy, do mới chạy lần đầu trên con đường này nên thật sự không hề hình dung nổi lại có lắm khúc cua cùi chỏ, cua chữ C, chữ U, chữ Z bất ngờ đến không tưởng. Nhiều chỗ đã chủ động lấn trái đường để triệt tiêu lực li tâm và lực quán tính, phanh đến cứng người, đánh hết lái mà xe vẫn văng ra ngoài mép vực. Có những đoạn dốc dài và bất ngờ sâu hun hút dồn về số 4 mà đồng hồ xe vẫn bị kéo lên trên trăm km/h, phanh gần như bất lực. Mọi người trên xe lúc đầu còn nói chuyện, sau im hẳn và ai cũng ôm cứng lấy ghế phía trước, mặt không còn giọt máu. Tôi vừa nhồi phanh chân, vừa kéo nhẹ phanh tay và tính toán để thao tác vù ga dồn số. May là xe hiện đại, hệ thống đồng tốc khá tốt và mọi quyết định vù ga dồn về từng số của tôi đều dứt khoát và chính xác. Khi dừng được xe, mở cửa bước xuống, mọi người không tin nổi là khói bốc lên mù mịt, khét lẹt, bốn đĩa phanh như bị nung đỏ…

Ông Lục Đinh Mão, nguyên là lái xe Trường Sơn, sau chuyển ngành về chạy xe tại Công ty ô tô Đắk Lắk cũng góp câu chuyện lật xe, chết người do mất phanh. Hôm đó, ông lái chiếc xe ben IFA50 chở đầy cát. Trên cabin ngoài con trai còn có bốn phụ nữ làm nghề xúc cát ngồi chen nhau. Về đến đèo Ea Na thuộc huyện Krông A Na, ông dồn số về số 3 và xuống đèo. Do đèo quanh co và sâu nên chân phanh vẫn phải sử dụng liên tục, bất ngờ mất phanh hoàn toàn. Chiếc xe chở nặng được đà lao ầm ầmxuống đèo. Động cơ gầm rú điên loạn!!! Ông hét mọi người bám chắc còn con trai ngồi bên phụ cởi áo chui đầu ra ngoài phất áo la hét xe mất phanh để người đi đường và đặc biệt là rất đông bộ đội đang đào chôn cáp ngầm hai bên đường kịp thời né tránh. Với kinh nghiệm nhiều năm trận mạc, ông ôm cứng vô lăng, điều khiển chiếc xe thoát qua được nhiều khúc quanh ngoạn mục, có lúc tưởng chừng xe chỉ chạy nghiêng trên hai bánh sau. Khi gần hết đèo, suy nghĩ thoát nạn đã có trong đầu mỗi người, nhưng thật không may, dưới chân đèo lại có chiếc cầu hẹp. Một người đi xe máy cùng chiều bắt đầu vào đầu cầu. Phía ngược lại là một chiếc xe tải khác đã vào giữa cầu. Nếu đi trên cầu, đối đầu xe tải thì sẽ chết hết. Không còn lựa chọn, ông kéo tay lái cho xe bay xuống suối nhưng đầu xe vẫn húc chết người đi xe máy. Chiếc xe nát bét, thùng xe văng một nơi, sắt xi xe bị cong làm ba đoạn, nhưng không hiểu thế nào cả sáu con người ngồi trên cabin chỉ bị chấn thương nhẹ, sau một ngày một đêm theo dõi tất cả đều ra viện.

Những kinh nghiệm mà lái xe phải biết, phải nhớ.

Có những nguyên nhân mất phanh xảy ra do tình trạng kỹ thuật ở hệ thống phanh hư hỏng đột ngột (rất hiếm gặp nếu như chăm sóc bảo dưỡng thường xuyên) như nổ bầu hơi, vỡ bình chứa dầu phanh hay những nguyên nhân sâu kín ở kẹt xi lanh heo cái, heo con,vỡ tăng bua (trống phanh), má phanh bị vỡ, bị gãy, bị chống, bị kẹt…Còn những tác nhân gây mất phanh ngoài ý muốn như lủng đường ống hơi, ống dầu do ngoại lực tác động bất ngờ như đá văng, cây chọc…vv…v… Thường là vỡ cupen xi lanh ở bộ phận phân phối chính (heo cái)  và cupen xi lanh nhánh ở các trục (heo con) dẫn đến mất dầu phanh ồ ạt và mất phanh.

Phải thực hiện duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, đúng định kỳ để kịp thời phát hiện những hỏng hóc, kịp kiểm tra siết chặt, hay khắc phục sửa chữa thay thế đảm bảo tình trạng kỹ thuật của chiếc xe tốt nhất trước mỗi chuyến đi là phương án tối ưu nhất.

Phải chạy đúng Luật giao thông, chạy đúng tốc độ cho phép, chở đúng tải trọng, đúng số người quy định.

Lên dốc số nào xuống số đó.

Cẩn thận, dồn số thấp trước khi xuống đèo, xuống dốc. Tuyệt đối không được ra số không khi xuống dốc để cho mát máy, để tiêt kiệm nhiên liệu…

Khi tham gia giao thông ở những cung đường chưa đi bao giờ, đặc biệt là đường trung du, miền núi, Đường mòn Hồ Chí Minh, đường Tây nguyên, lái xe phải hết sức thận trọng. Dồn về số thấp ở những con dốc tầm nhìn hạn chế, không thấy chân dốc.

Các lái xe lâu năm đều chung nhận định: Mất phanh rất hiếm gặp, nhưng khi đã xảy ra thì cực kỳ nguy hiểm ! Lái xe phải bình tĩnh là yếu tố quyết định đầu tiên, càng hoảng loạn nguy cơ tai nạn càng cao. Phải quan sát nhanh tình trạng mặt đường, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông. Bật đèn báo nguy, bật và nháy đèn pha, cos kể cả ban ngày lẫn ban đêm. Bóp còi liên tục để gây sự chú ý cũng là biện pháp nên làm.

Phải làm mọi cách để dồn số, thao tác dồn số về từng cấp ngay khi có thể, càng để xe lao càng nhanh thì cơ hội dồn số càng khó. Xe đang chạy số 5, hãy cắt côn ra số, vù ga thật lớn, cắt côn để dồn về số 4 (dồn số 5 về số 4 là dễ nhất, bất cứ xe nào, tốc độ nào cũng về được). Thả côn nhanh cho số ghì xe lại. Tại thời điểm này tiếp tục thao tác như trên và dồn số thật dứt khoát, nhả côn kết hợp kéo phanh tay từ từ. Khi xe có dấu hiệu chậm hẳn thì mới được tính tới chuyện dồn số tiếp theo, bởi về số càng thấp, càng khó vào số, nên phải tính toán thật kỹ, còn không thì giữ nguyên số, còn số nào thì đỡ số đó, hơn là dồn số không được, xe ở trạng thái số không (số mo) càng nguy hiểm ! Khi đã về số hai, số một thì cho xe tấp sát lề đường, kéo phanh tay từ từ đến lúc xe chậm hẳn thì tắt máy kết hợp kéo thay dứt khoát cho xe dừng hẳn.

Về lý thuyết là như vậy nhưng lái xe phải quan sát nhanh, nếu có vũng lầy, ta luy núi, các vật cản có thể giảm tốc độ, dừng được xe thì cần phải thực hiện ngay, đừng để mất cơ hội.

Kiểm tra phanh thường xuyên, liên tục hàng ngày, kiểm tra giữa chuyến đi khi dừng nghỉ, khi chuẩn bị lên đèo xuống dốc bằng trực quan như kiểm tra áp suất dầu phanh, bình chứa dầu phanh, kiểm tra mặt trong lốp xe (nếu là phanh dầu), nếu thấy dầu trong bình hao thì phải châm thêm dầu phanh (cùng loại). Nếu thấy hao nhiều bất thường thì phải kiểm tra mặt trong của lốp ở các trục (cầu), nếu thấy dầu chảy ướt thì cupen xi lanh heo con ở trục đó đã bị vỡ, cần phải dừng sửa chữa. Nếu mặt trong lốp xe ở các trục khô ráo, cần kiểm tra bằng cách đạp bàn đạp phanh. Nếu bàn đạp phanh khi đạp hết hành trình không cứng mà có dấu hiệu lún từ từ thì có nghĩa bộ phận phân phối chính (heo cái) có vấn đề. Có thể cuppen heo cái bị nhão, bị vỡ cần phải sửa chữa khắc phục.

Xe dùng phanh hơi (thắng hơi), kiểm tra bằng cách nổ máy, kiểm tra đồng hồ áp suất hơi và phanh thử một vài cái, nếu thấy đồng hồ áp suất hơi không giữ ổn định mà tuột xuống quá nhanh và hồi phục chậm thì phải kiểm tra bình hơi, đường ống dẫn, các van đóng mở hơi xem có bị rò rỉ hơi để khắc phục, cần thiết phải đưa vào xưởng sửa chữa gần nhất. Bàn đạp phanh dẻo, không cứng (không có bi đan) khi đạp hết hành trình thì cũng phải dừng kiểm tra phanh ngay.

Đã làm nghề lái xe thì mất phanh (mất thắng) là sự cố kỹ thuật mà cuộc đời cầm lái chắc chắn ai cũng sẽ gặp ít nhất một đôi lần. Bài viết chỉ mong góp một chút kinh nghiệm của những người đã từng trải qua giây phút sống, chết do mất phanh để mỗi người lái xe trước mỗi chuyến đi phải hết sức thận trọng.