Cách xử lý xe ngập nước, hạn chế thiệt hại do thủy kích

Cập nhật lúc: 13:17 09/06/2018

https://tuoitre.vn/cach-xu-ly-xe-ngap-nuoc-han-che-thiet-hai-do-thuy-kich-20180520140404703.htm

Cách xử lý xe ngập nước, hạn chế thiệt hại do thủy kích

20/05/2018 14:02 GMT+7

TTO - Trận mưa lớn chiều 19-5 khiến hàng loạt ôtô, xe máy gặp trục trặc, hư hỏng. Vấn nạn thủy kích lại ám ảnh các bác tài.

Cách xử lý xe ngập nước, hạn chế thiệt hại do thủy kích - Ảnh 1.

Mùa mưa phương Nam lại tới, vấn nạn thủy kích lại ám ảnh các bác tài. Ảnh HỮU KHOA.

Cơn mưa lớn kéo dài tối 19-5 khiến nhiều tuyến đường ở TP.HCM ngập sâu, hàng loạt xe chết máy.

Thiếu kỹ năng khi xe bị ngập nước có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là khi xe bị thủy kích.

Nước có thể phá hủy nhiều chi tiết trên xe như: Hệ thống điện, động cơ, các cảm biến, nội thất... Đặc biệt, khi xe bị thủy kích có thể gây hư hỏng tay biên, thậm chí là hư hỏng toàn bộ hệ thống điện và động cơ.

Chính vì vậy, các lái xe cần trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để lái xe an toàn, giảm thiểu thiệt hại cũng như chi phí sửa chữa khi phải đi qua vùng nước ngập.

 

 

Kỹ năng lái xe qua vùng nước ngập

Đối với xe ô tô, mực nước xe có thể đi qua an toàn là dưới 25 cm hoặc không vượt qua tâm bánh xe. Nếu thấy mực ngập sâu hơn thì không nên đi qua.

Trong trường hợp phải đi qua vùng ngập nên tháo lọc gió động cơ, tránh lấy gió qua đường khí nạp theo xe vì đây là vị trí thấp nước sẽ dễ lọt vào, lúc này xe sẽ lấy gió trực tiếp từ khoang động cơ. Tiếp theo hãy tắt hệ thống điều hòa không khí, tắt các thiết bị giải trí giúp giảm tải cho động cơ.

Để xe chạy ở số 1 đối với các xe số sàn và chuyển sang chế độ bán tự động và để ở số 1 đối với xe số tự động. Lưu ý, không nên đạp côn trên xe số sàn khi qua chỗ ngập để tránh trường hợp chết máy.

Đi đều ga, hạn chế nhồi ga mạnh sẽ khiến nước tràn qua lưới tản nhiệt, đổ vào ống hút. Mặt khác, khi ga mạnh đột ngột, vòng tua máy lớn, nếu nước lọt vào sẽ khiến hiện tượng thủy kích mạnh hơn, dẫn tới cong tay biên, thậm chí là hư hỏng động cơ.

Nếu mực nước ngập lên tới cửa ra vào thì không được mở cửa xe, mở cửa khiến nước tràn vào khoang nội thất gây nguy hại.

Xử lý khi xe bị ngập nước

Tuyệt đối không được nổ máy

Lái xe qua vùng ngập xe sẽ dễ bị tắt máy đột ngột, nếu gặp tình trạng này tuyệt đối không được nổ máy lại. Nếu cố gắng khởi động lại xe khi đã bị ngập nước sẽ gây nguy hại cho động cơ và hệ thống điện.

Đưa xe ra khỏi vùng ngập

Khi ôtô bị chết máy do ngập nước, hãy tìm cách đưa xe ra khỏi vùng ngập. Tùy vào trường hợp cụ thể mà áp dụng phương pháp đẩy xe hoặc nhờ cứu hộ. Nếu xe không được kéo ra vùng ngập nước kịp thời có thể dẫn đến hỏng các hộp điều khiển điện.

Gọi hãng bảo hiểm

Việc cần làm tiếp theo là gọi thông báo cho công ty bảo hiểm và cho họ biết về tình trạng xe. Việc thông báo sớm và chi tiết sẽ rất hữu ích cho việc giải quyết bồi thường bảo hiểm về sau.

Làm khô nội thất

Trong trường hợp nước lọt vào khoang nội thất hãy mở hết các cửa để thoát nước. Tiếp theo, sử dụng các loại dụng cụ sẵn có trên xe như khăn giấy, khăn lau... để làm khô nội thất nhanh nhất có thể.

Nên đem xe tới các garage để làm khô nội thất càng sớm càng tốt.

Kiểm tra xe

Kiểm tra dầu máy và lọc gió bằng cách mở nắp ca-pô và quan sát, nếu thấy có nhiều nước đọng ở lọc gió, động cơ hay bình chứa dầu, có thể xe đã bị nước lọt vào động cơ.

Kiểm tra các loại chất lỏng như dầu máy, dầu phanh, dầu trợ lực lái, nước mát...xem có bị rò rỉ hay nước lọt vào hay không.

Kiểm tra lốp và mâm xe, đây là các bộ phận tiếp xúc với bùn, đất và vô số thứ khác có trong nước mưa. Các vật thể như kim loại, bùn đất có thể làm giảm khả năng hoạt động của hệ thống phanh, gây hư hại lốp xe.

Các chi tiết khác như đèn pha, đèn xi-nhan, điều hòa, âm thanh, khóa cửa...cũng cần kiểm tra để phát hiện hư hỏng sớm.

MAI TRAN