Làm tài xế phải có tâm, đừng để người đời lên án!

Cập nhật lúc: 07:55 21/01/2019

https://tuoitre.vn/lam-tai-xe-phai-co-tam-dung-de-nguoi-doi-len-an-20171030081318504.htm

Làm tài xế phải có tâm, đừng để người đời lên án!

30/10/2017 08:35 GMT+7

TTO - Chẳng may gây tai nạn, tài xế phải xử lý thế nào để tránh bị lương tâm cắn rứt và người đời lên án? Sau đây là chia sẻ của tài xế Trần Kiêm Hạ (TP.HCM).

Làm tài xế phải có tâm, đừng để người đời lên án! - Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn ngày 26-10 ở vòng xoay Mỹ Thủy - Ảnh: LÊ PHAN

Mấy ngày nay, dư luận bàn tán nhiều về vụ tai nạn tại vòng xoay Mỹ Thủy, Q.2 (TP.HCM) vào ngày 26-10, với thông tin một tài xế xe container đã lùi xe cán chết một người đi xe máy sau khi hai xe va chạm làm người đi xe máy văng vào gầm xe container.

Nếu đúng như vậy thì hành vi của tài xế xe container này quá tàn nhẫn, làm người ta phải kinh sợ.

Khi đã gây ra tai nạn thì tài xế phải có trách nhiệm cấp cứu nạn nhân để hạn chế tổn thất cho người bị nạn. Việc làm này là tình tiết giảm tội mà pháp luật đã quy định. Làm ngược lại, ngoài việc bị pháp luật trừng trị đích đáng, tài xế còn bị lương tâm cắn rứt và người đời lên án

Tài xế Trần Kiêm Hạ

Gây tai nạn, đừng bỏ chạy

Trước đây có mấy tài xế có hành động cho xe cán chết nạn nhân sau va chạm đã bị pháp luật trừng trị đích đáng. Tuy nhiên, tôi nghĩ số tài xế "máu lạnh" đó rất ít so với hàng triệu tài xế hằng ngày cầm lái mưu sinh.

Đa số tài xế đều hiền lành và là trụ cột gia đình, chỉ nghĩ đến việc không may vướng phải tai nạn thôi thì họ đã hãi sợ. Cho nên khi lỡ gây ra tai nạn, mặt họ thường tái mét, người bủn rủn. 

Có người bấn loạn, xuống xe chưa nắm hết tình hình nạn nhân ra sao đã bỏ chạy, vô tình bỏ mặc nạn nhân đang giãy giụa dưới gầm xe mình. 

Cũng có người luống cuống tiến xe lên, hoặc lùi xe lại để cứu nạn nhân mắc kẹt dưới gầm xe nhưng lại cài nhầm số gây hậu quả trầm trọng thêm cho nạn nhân.

Thông thường sau khi gây tai nạn thì tài xế bỏ chạy, vì họ cho rằng làm như vậy là để tránh bị người nhà nạn nhân hành hung. Thật ra từ khi tai nạn xảy ra đến khi người nhà nạn nhân có mặt tại hiện trường ít nhất cũng vài tiếng đồng hồ. 

Đó là quãng thời gian vô cùng quý báu để cứu sống nạn nhân đang đau đớn dưới gầm xe. Vậy thì tại sao tài xế không bình tĩnh ở lại để cứu người và hô hào tài xế các xe khác cùng tham gia cứu nạn nhân với mình? 

Khi có nhiều người tham gia cấp cứu như vậy, dẫu người nhà nạn nhân hoặc những kẻ thích gây kích động có mặt cũng không biết ai là tài xế xe gây nạn mà manh động.

Dụng cụ cần thiết để cứu người trong các trường hợp này thường có sẵn trên xe. Đó là bộ kích trang bị theo xe để tài xế thay lốp hoặc sửa chữa hư hỏng khác dọc đường. 

Ngoài ra, các tài xế xe tải, xe container, xe khách... còn mang theo cục chèn xe trôi và những tấm gỗ dày để đặt kích lên khi không may xe họ bị hỏng ở đoạn đường lún, yếu... cũng là những dụng cụ cần thiết để cứu người dưới gầm xe.

Nâng xe để cứu người

Nạn nhân bị cuốn nằm dưới gầm xe thường rơi vào các trường hợp sau: một là nằm thông thoáng dưới gầm xe; hai là bị lốp xe chèn lên một phần thân thể; ba là nằm cùng xe máy mắc kẹt dưới cầu xe, trục truyền động, hoặc hệ thống treo giàn bánh...

Dẫu rơi vào trường hợp nào thì tài xế tuyệt đối không được cho xe nổ máy mà tiến hoặc lùi xe. Người trong nghề hẳn đã biết rõ lực khởi động (đề-pa) xe rất mạnh mẽ, nó có thể gây lún hoặc bong tróc đường, huống chi là thân thể con người!

Trước tiên, tài xế phải tắt máy xe, cài số nguội, kéo phanh tay và dùng cục chèn xe thật kỹ cho khỏi trôi và gọi xe cấp cứu. Sau đó, hãy chui vào gầm xe làm các điều cần thiết như cắt dây nón bảo hiểm cho nạn nhân (nếu có), garô cầm máu và kê đầu nạn nhân cao một chút cho họ dễ thở... Phần còn lại, hướng xử lý ra sao sẽ chờ nhân viên cấp cứu.

Nếu nạn nhân kẹt dưới gầm xe thì sẽ dùng bộ kích để nâng và nhớm xe lên. Vị trí đặt kích gần nơi nạn nhân bị chèn hoặc bị nén xuống gây mắc kẹt. Nếu nạn nhân bị bánh xe chèn lên thì tùy bị chèn mấy bánh mà đặt kích nhiều hay ít. Vị trí đặt kích phải ngay dưới trục bánh xe đó. 

Nếu nạn nhân bị kẹt do gầm xe, có thể đặt kích ở vị trí mà nhà sản xuất quy định ở gần đó rồi kích nâng xe lên, và để cho chắc chắn thì nên dùng nhiều kích đặt ở vị trí khác nhau. 

Dù đặt kích ở vị trí nào trên mặt đường, khi cần nâng xe lên cao hơn thì phải dùng gỗ đặt dưới đế kích, chứ không dùng gạch, bêtông mỏng vì sẽ bị vỡ sập xe gây đau đớn thêm cho nạn nhân.

Tận lực cứu người

Nếu tai nạn xảy ra ở nơi heo hút, ít xe qua lại không mượn được nhiều kích thì làm sao? Ông bà ta có câu: "Tận nhân lực tri thiên mệnh", nên vẫn phải làm hết sức. Ở một nơi vắng xe cộ thì thường là vùng ngoại ô, vùng quê có nhiều cây gỗ. Hãy đặt nhiều cây nhỏ hoặc nhiều miếng gỗ mỏng trước chỗ bánh xe chèn nạn nhân rồi nhớm cho bánh xe leo lên đống gỗ đó, phanh và chèn xe lại để cho người khác kéo nạn nhân ra.

Tài xế TRẦN KIÊM HẠ (TP.HCM)